Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người
1 ca tử vong vì cúm A/H5N1, 27 ca tử vong vì bệnh dại

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT tỏ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vậy sang người năm 2024”.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vậy sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

Đáng chú ý, trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.



Cụ thể, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8.

Khu vực miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất, chiếm 37.8%, tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên, chiếm 24.4% và miền Trung chiếm 13.4%. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.

Còn trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 27 ca tử vong do bệnh dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói là 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến với 9 ca.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do bệnh dại gia tăng thời gian qua, ông Đức cho rằng, 100% số ca tử vong bệnh dại do không tiêm vaccine, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của người dân, chiếm 43.8%. Ngoài ra, còn do người dân dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại, chiếm 16.4%, không hiểu biết về bệnh dại chiếm 11%, không có tiền để tiêm phòng chiếm 8,2%, còn lại trẻ nhỏ bị động vật cắn đã không nói với gia đình.

Bên cạnh đó, nước ta cũng đang đối mặt với nguy cơ gia tăng và quay trở lại của bệnh cúm gia cầm trên người. Theo ông Đức, dịch cúm A/H5N1 ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.

Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là năm 2004 – 2009 ghi nhận 112 trường hợp, trong đó có 57 ca tử vong.

Sau 8 năm không có ca bệnh, đến tháng 10/2022 đã ghi nhận trường hợp cúm A/H5N1 trên người. Đặc biệt, mới đây, vào tháng 3/2024, nước ta đã có ca tử vong do cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhận định, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao vì nhiều lý do, nhất là hiện nay tình trạng nhập lậu gia cầm là sản phẩm gia cầm vẫn còn xảy ra tại các tỉnh biên giới.

Còn đối với bệnh dại, trong thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.

“Phủ sóng” vaccine là cần thiết

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam là quốc gia có tổng đàn vật nuôi lớn trên thế giới. Hiện cả nước có trên 550 triệu con gia cầm, 28 triệu con lợn, trên 12 triệu gia súc ăn cỏ, đóng góp quan trong với hơn 26% giá trị của ngành nông nghiệp.

Nước ta có tổng đàn chó tương đối lớn, trên 7.6 triệu con được nuôi tại khoảng 5 triệu hộ, trong đó tình trạng nuôi chó thả rông còn phổ biến ở nhiều địa phương, có nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội nếu không kịp thời chấn chỉnh.



Thứ trưởng nhấn mạnh: “Với quy mô đàn gia súc, gia cầm lớn, cộng với thời tiết diễn biến thất thường, nước ta lại có đường biên giới dài, nhất là tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới… là những yếu tố khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát”.

Thứ trưởng đánh giá, về tổng thể, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm. Bệnh dại đã và đang được quản lý tốt hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay dịch bệnh có chiều hướng gia tăng mạnh do sự chủ quan, thiếu quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền; ý thức và trách nhiệm của chủ nuôi chó còn nhiều hạn chế, không nuôi nhốt chó, không tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó.

Để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, nhất là bệnh cúm gia cầm và bệnh dại, Thứ trưởng đề nghị địa phương chú trọng tổ chức tiêm vaccine; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi chó, khi ra đường phải đeo rọ mõm cho chó; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền địa phương không quản lý được đàn chó, không tiêm phòng hoặc tiêm phòng tỷ lệ thấp, dẫn đến chó cắn người, nhiều người chết vì bệnh dại…

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Để phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự thap gia của các cấp chính quyền”.

“Đồng thời đề nghị ngành thú y, các ngành liên quan ủng hộ và phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu thanh toán và loại trừ bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác tại Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh y tế và an sinh xã hội”, bà Hương nói thêm.

Đối tác - Khách hàng

Bán hàng: 0986.086.160
Kỹ thuật: 0988.889.080
0986.086.160