Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi
Nuôi bò 3B không khó

Tại Quảng Trị, bò 3B là đối tượng nuôi mới. Nuôi bò 3B còn lạ lẫm với người dân vùng đồng bằng và càng lạ lẫm hơn với người dân miền núi. Thế nhưng, bước đầu, các mô hình đã cho thấy, bò phát triển tốt, ít dịch bệnh và đem về niềm hi vọng lớn cho người dân.

Gần đây, một số mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai tại xã Gio Châu (huyện Gio Linh) và Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) đều cho kết quả khả quan. Bò tăng trọng bình quân trên 30kg/com/tháng. Các hộ dân có lãi và tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Đầu năm 2023, cũng như nhiều người dân tại huyện Hướng Hóa, ông Phạm Cao Chức, thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa cất công đi tìm hiểu các mô hình nuôi bò 3B tại địa phương. Nhưng không phải ai cũng mạnh dạn như ông Chức, chỉ ít tháng sau ông đã thực hiện mục tiêu đặt ra. Tháng 8/2023, ông Chức mua 10 con bò 3B từ Thanh Hóa về nuôi thử nghiệm. Số bò giống này được UBND huyện Hướng Hóa hỗ trợ 40% chi phí.

Trước khi đưa bò về trại, ông Chức đã tiêm đầy đủ các loại vaccine lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng. Trong thời gian nuôi, bò được tẩy giun sán định kỳ 3-4 tháng/lần. Vì vậy, quá trình nuôi, dù môi trường mới nhưng bò thích ứng tốt và không xuất hiện dịch bệnh gì đáng kể.

Khu chuồng trại được ông xây dựng trong vường, đảm bảo ấm trong mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Nền chuồng và máng ăn được cứng hóa. Khu xử lý phân được đầu tư bài bản, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, sau 8 tháng nuôi, đàn bò phát triển tốt, có con đạt trọng lượng gần 500kg.

Theo ông Chức, nuôi thêm 3-4 tháng nữa, ông sẽ xuất chuồng. Lúc đó, bò sẽ đạt trọng lượng 600-650kg/con. Với giá bán trên 80 nghìn đồng/kg hơi, 10 con bò của ông sẽ thu về gần 500 triệu đồng, lãi ròng khoảng 100 triệu đồng.

Bò 3B ăn rất khỏe, gần như có bao nhiêu cỏ cũng hết. Tuy nhiên, thời gian đầu, ông Chức chủ yếu cung cấp đủ lượng thức ăn xanh cho bò, cám viên và cám gạo chỉ cấp 1 lượng vừa phải. Lượng thức ăn tăng dần theo độ tuổi của bò và đến thời điểm bò đạt 1 năm tuổi trở lên, mỗi ngày có thể tiêu thụ hết 20-25kg thức ăn xanh, 2-3 kg cám gạo và 1-2 kg cám viên/con.

 

Theo ông Chức, nuôi bò 3B không khó. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, giữ chuồng luôn đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông thì người nuôi chủ động cung cấp thức ăn đầy đủ cho bò. Việc giữ cho chuồng luôn luôn sạch sẽ, tắm mát cho bò vào mùa hè là rât quan trọng. Người nuôi cần chuẩn bị một diện tích cỏ hoặc ngô, chuối. Nếu người nuôi ủ được các loại thức ăn lên men càng tốt, nếu không phải cung cấp đủ lượng thức ăn xanh cho nhu cầu của bò.

“Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm khu chuồng trại này và sẽ đi học hỏi cách ủ chua lên men thức ăn để nuôi đạt hiệu quả hơn. Trước đây, tôi đã từng nuôi nhiều đối tượng khác nhưng khi nuôi bò 3B mới thấy đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần mình đảm bảo những điều kiện tối thiểu về tiêm phòng dịch bệnh, cũng cấp đủ thức ăn thì bò sẽ phát triển tốt, tăng trọng nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Chức cho hay.

Mô hình đầy triển vọng cho vùng miền núi

Phải hẹn mãi chúng tôi mới gặp được ông Hồ Văn Miên, thôn Dao Củ, xã Hướng Phùng, người tham gia mô hình 6 con bò 3B. Người dân ở đây cho biết, ngoài việc trồng cỏ, ngô cung cấp cho bò, cứ sáng sớm, ông Miên lại chạy xe kéo đi về các vùng trồng chuối để thu mua thân cây chuối. Cây chuối đưa về trại, ông Miên thái mỏng, trộn với cám gạo và bột công nghiệp cho bò ăn. Đây có lẽ là nguồn thức ăn rẻ tiền nhất, dễ tìm nhất tại huyện Hướng Hóa.

Ông Miên cho biết, ban đầu, khi triển khai mô hình này, các hộ dân đều ái ngại, không dám nhận. Người dân cho rằng, bò 3B là đối tượng nuôi của nhà giàu vì nó cần chuồng trại đàng hoàng, nguồn thức ăn dồi dào. Trong khi đó, ở vùng miền núi, người dân quen với tập quán thả rông trâu bò trong rừng nên việc nuôi nhốt sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Miên lại nhận thấy điều ngược lại, vùng miền núi có điều kiện rất tốt để nuôi đối tượng mới này.

 

Ông Miên cho rằng, bò 3B khi về vùng đất miền núi Quảng Trị sẽ có rất nhiều thuận lợi. Thứ 2, vùng miền núi như Hướng Phùng, diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng lâu nay chưa canh tác cây trồng, vật nuôi nào cho hiệu quả kinh tế dài lâu, bền vững. Thứ 3, các vùng miền núi đều trồng rất nhiều chuối. Cây chuối thái mỏng, trộn cám là thức ăn rất ưa thích của bò 3B.

Nhờ suy nghĩ như vậy, ông Miên nhận triển khai mô hình. Do kinh phí eo hẹp nên chuồng trại ông đầu tư khá đơn giản nhưng vẫn đảm bảo kín trên, bền dưới; thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Vì vậy, đàn bò thích nghi tốt, đến nay, trọng lượng bò đạt 300-400 kg/con.

Để giảm công lao động, ông Miên mua máy thái chuối, thái cỏ về sử dụng. Sắp tới, khi mở rộng mô hình, ông sẽ đi tìm hiểu cách ủ thức ăn lên men để vừa dự trữ thức ăn, chủ động chăm sóc bò vừa tăng hiệu quả chăn nuôi.

“Khí hậu miền núi tương đối mát mẻ nên bước đầu cho thấy bò phát triển nhanh, không có dịch bệnh gì. Bên cạnh đó, tôi cũng tiêm đủ các loại vaccine nên bò miễn dịch tốt. Theo tôi, nếu vùng Hướng Phùng có thể phát triển loài vật nuôi này thì người dân sẽ hưởng lợi rất nhiều. Nhiều hộ đồng bào cũng sẽ nhờ vậy mà thay đổi được tập tục và tư duy làm nông nghiệp”, ông Miên cho hay.

Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 mô hình thử nghiệm nuôi bò 3B. Kết quả bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Ông Long hy vọng, những mô hình này thành công sẽ có sức lan tỏa để người dân địa phương tiếp cận phương thức chăn nuôi mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

“Hướng Phùng là địa bàn tiềm năng để phát triển nuôi bò 3B. Điều quan trọng là việc nuôi bò 3B đem lại hiệu quả thấy rõ và giúp thay đổi nhận thức của người dân trong chăn nuôi. Chúng tôi hi vọng, từ một vài hộ thử nghiệm ban đầu, kỹ thuật nuôi bò 3B sẽ được chuyển giao, phổ biến rộng rãi để các hộ học theo. Ở Hướng Phùng, nếu chăn nuôi bò 3B phát triển nhiều hộ đồng bào sẽ được hưởng lợi”, ông Long chia sẻ.

 

Theo ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa, trên địa bàn, mô hình thử nghiệm nuôi bò 3B đã có những kết quả bước đầu rất khả quan. Là địa phương miền núi cao của tỉnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, đa phần người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc tìm được đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế.

Nuôi bò 3B sẽ giúp người dân tận dụng và tiết kiệm được chi phí đầu vào để tăng hiệu quả kinh tế. Ông Bình hi vọng, thời gian tới, đồng bào các dân tộc huyện miền núi Hướng Hóa sẽ được hỗ trợ về kinh phí và chuyển giao kỹ thuật để phát triển đối tượng nuôi mới.
 

Đối tác - Khách hàng

Bán hàng: 0986.086.160
Kỹ thuật: 0988.889.080
0986.086.160